Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

DỊ VẬT TAI XỬ TRÍ THẾ NÀO?


Dị vật tai thường xảy ra ở trẻ em khi chúng vui chơi có thói quen  nhét những vật chúng cầm vào tai hoặc chúng thường chơi với chó mèo hay nằm dưới sàn nhà  nên thỉnh thoảng có côn trùng chui vào tai.Nhưng đôi khi dị vật cũng xảy ra ở người lớn như đeo bông tai khi ngủ vô tình rớt hạt cườm vào tai, ngoáy tai đầu que bông vướng lại trong ống tai, côn trùng bò vào tai…Đa số các dị vật tai thường được các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng lấy ra an toàn và đơn giản, chính cách tự lấy của người nhà đôi khi gây chấn thương ống tai, thủng màng nhĩ và nhiều khi làm cho dị vật di chuyển vào sâu hơn trong tai.
Dị vật có 2 loại:
-Dị vật thường gặp: dị vật mềm dẹt( mảnh giấy, bông gòn…), dị vật tròn( viên bi xe đạp, hạt chanh, hạt gạo…).
-Dị vật sống:  ve chó, gián đất, kiến…chui vào tai và  đôi khi cắn trong tai làm cho bệnh nhân đau dữ dội và chóng mặt.
Xử trí:
-Khi người bệnh đến bác sĩ  dùng đèn clar hoặc qua nội soi tai để gắp dị vật ra:
+ Nếu dị vật mềm, dẹt  thì bác sĩ sẽ dùng kẹp khủy, kẹp Hartmann gắp dị vật ra.
+Nếu dị vật tròn bác sĩ sẽ dùng móc khuỷu để lấy dị vật ra.không dùng kẹp trơn, kẹp khuỷu để lấy dị vật tròn vì dễ bị trượt và có xu hướng đẩy dị vật vào sâu hơn.
+Dị vật sống: không lấy dị vật ra ngay mà phải làm vật sống chết rồi mới lấy ra (Thường nhỏ dầu gômenol , hoặc  bằng mẩu bông tẩm ether, chloroform  đặt sâu trong ống tai chờ vài ba phút rồi lấy côn trùng ra).Nếu con kiến  chui vào tai ta có thể cho nước ấm vào đầy ống tai ngoài sau đó nằm nghiêng, tai bệnh hướng xuống đất, kiến sẽ chồi ra ngoài hoặc rửa tai để lấy ra.
+ Đôi khi có những dị vật khó lấy( dị vật bám chặt vào ống tai, dị vật vào sâu gần màng nhĩ…) và bệnh nhân không hợp tác nhất là trẻ nhỏ bác sĩ phải cho bệnh nhân gây mê mới lấy ra để tránh chấn thương tai. Không gắp dị vật khi chưa nhìn thấy rõ ràng.
-Nếu có chấn thương tai( rách da ống tai, trầy xước  màng nhĩ…) thì bôi thuốc sát khuẩn tại chỗ và cho kháng sinh toàn than thừ 3 đến 5 ngày.
Để phòng dị vật tai
- Không nên cho trẻ cầm chơi những vật nhỏ như hạt gạo,hạt đậu, đầu viết bi,  viên bi xe đạp và hạn chế cho trẻ chơi với chó mèo…
- Khi trẻ nhi hoặc người lớn bị dị vật tai nên đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được lấy ra để tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

                                                Bác Sĩ. Bùi Văn Soát
                                                Chuyên khoa cấp 1 Tai-Mũi-Họng
                                                Trưởng phòng khám tai mũi họng Thiện Tâm