Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

THỦNG MÀNG NHĨ VÀ HƯỚNG XỬ TRÍ

Hiện nay đô thị hóa ngày một nhanh, con người ngày càng bận rộn với công việc.Do đó xuất hiện các dịch vụ phục vụ con người như dịch vụ lấy ráy tai , nhưng dịch vụ này tiềm ẩn những nguy cơ làm chấn thương màng nhĩ hoặc cha mẹ hay trẻ em có thói quen dùng bông tăm ngoáy tai ở chỗ đông người vô tình va chạm phải cũng làm tỉ lệ chấn thương màng nhĩ tăng thêm, ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: ẩu đả, chấn thương đầu …
-Khi bị thủng màng nhĩ nếu không xử trí đúng sẽ dẫn đến viêm tai giữa và mất nghe rất nguy hiểm.
-Nếu điều trị đúng màng nhĩ có thể tự lành trong vòng vài tuần, nếu màng nhĩ không tự lành thì  bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ vá màng nhĩ qua nội soi hoặc qua kính hiển vi và có thể hồi phục sức nghe lại nếu mất nghe và tránh được tình trạng nhiễm trùng tai .
HOẠT ĐỘNG CỦA MÀNG NHĨ
-Màng nhĩ là một màng mỏng, hình nón, nằm giữa tai ngoài và tai giữa có chức năng dẫn truyền âm thanh, bảo vệ tai giữa và tai trong phòng tránh nhiễm trùng và các chất ngoại lai nhâm nhập vào từ tai ngoài.Khi màng nhĩ bị thủng thì tình trạng giảm nghe nhiều hay ít phụ thuộc vào kích thước và vị trí của lỗ thủng.
-Thỉnh thoảng vi trùng hoặc các chất ngoại lai đi vào tai giữa qua lỗ thủng sẽ dẫn đến viêm tai giữa và làm cho lỗ thủng không tự lành được.
NGUYÊN NHÂN

-Mọi người không biết rằng ngoáy tai bằng bông tăm hay bằng móc lấy ráy tai là nguyên nhân chính gây thủng màng nhĩ nhất là trẻ nhỏ và những người có ống tai rất hẹp.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác bao gồm:
+Nhiễm trùng tai: viêm tai giữa, tai trong dẫn đến mủ tích tụ sau màng nhĩ và đục thủng màng nhĩ để chảy ra ngoài.Đây là nguyên nhân phổ biến gây thủng màng nhĩ ở trẻ em.
+Chấn thương do áp lực: thông thường áp suất trong tai giữa và áp lực của môi trường cân bằng nhau.Sự thay đổi đột ngột áp suất khí quyển( như đi máy bay, lặn xuống nước ở độ sâu..) có thể gây vỡ màng nhĩ.
+ Chấn thương âm thanh: Tiếng ồn lớn( như nổ mìn) có thể gây tổn thương màng nhĩ, ốc tai dẫn đến mất thính lực tạm thời hoặc vĩnh viễn.
+ Chấn thương đầu: đánh trực tiếp vào tai làm gãy xương sọ và áp lực có thể gây vỡ màng nhĩ.
+ Các nguyên nhân ngoại lai: như côn trùng bò vào tai, các vật sắc nhọn trẻ em vô tình bỏ vào tai…do cách lấy thô bạo cũng dẫn đến chấn thương màng nhĩ.
TRIỆU CHỨNG
Bệnh nhân đang ngoáy tai bị bạn đụng phải gây thủng màng nhĩ( hình được cung cấp bởi: taimuihongthientam.com)

-Đau tai, ù tai
-Chảy máu tai, chảy mủ tai
-Giảm nghe tùy theo kích thước và vị trí lỗ thủng
-chóng mặt có thể gây buồn nôn hoặc nôn …
CHẨN ĐOÁN
-Bác sĩ sẽ hỏi bệnh và dùng đèn soi tai hay nội soi để chẩn đoán xác định. Ngoài ra bác sĩ có thể cho đo thính lực đồ để xác định tình trạng giảm nghe và đo nhĩ lượng đồ, nếu có mủ chảy ra từ tai thì lấy mủ làm xét nghiệm…
ĐIỀU TRỊ
Thông thường thì thủng màng nhĩ lỗ nhỏ có thể tự lành trong vòng vài tuần nhưng với điều kiện là phải giữ cho tai khô và không bị nhiễm trùng.Nếu sau đó màng nhĩ không lành thì bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ vá màng nhĩ qua nội soi hoặc kính hiển vi.Trong thời gian chờ màng nhĩ lành bác sĩ có thể cho kháng sinh phòng nhiễm trùng, thuốc giảm đau( nếu có đau tai), và người bệnh phải giữ cho tai khô( khi tắm giữ đầu cao hơn mặt nước, lấy cục bông gòn sạch nhét ngoài tai, khi tắm xong thì lấy ra), không xì mũi mạnh( vì mũi có lỗ vòi nhĩ thông lên tai),không ngoáy tai, không tự ý nhỏ thuốc vào tai nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa…
PHÒNG BỆNH
-Không nên lấy ráy tai bằng móc tai, bông gòn ngoáy tai, nếu có ráy tai nhiều nên đến bác sĩ tai mũi họng rửa tai để lấy ra.
-Khi bị sổ mũi hạn chế đi máy bay, nếu có đi thì nên nhai kẹo cao su hoặc ngáp, nuốt mỗi khi máy bay cất hoặc hạ cánh( vì làm như thế sẽ tạo được sự cân bằng áp suất tai giữa và môi trường bên ngoài).
-Thợ lặn nên biết tự bảo vệ tai của mình khi lặn ở độ sâu.
Khi có ráy tai nhiều hoặc bị chấn thương tai nên đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng  khám và điều trị đúng để tránh những biến chứng ảnh hưởng cho tai sau này.

                                                                        Bác sĩ. Bùi Văn Soát

                                                            Chuyên khoa cấp 1 Tai-Mủi-Họng